Apple dự kiến mang đến thế giới một sản phẩm công nghệ mang tính đột phá trong vòng 3 năm tới mà công ty kỳ vọng sẽ thành công như những gì iPhone đã làm được cách đây 10 năm.
Theo Neowin, sản phẩm mà Apple muốn tạo sự đột phá trong thời gian tới là tai nghe thực tế ảo tăng cường (AR) sử dụng hệ điều hành riêng, và tên mã của nó cũng vừa bị rò rỉ. Tên mã nội bộ của nó là T288 có màn hình riêng thay vì dựa vào iPhone. Nó cũng có chip riêng và hệ điều hành được biết đến với tên rOS. Apple kỳ vọng sẽ bắt đầu sản xuất thiết bị vào năm 2019 trước khi phát hành vào năm 2020.
Apple vẫn chưa hoàn thành thiết bị thử nghiệm, vì vậy hiện tại họ đang sử dụng tai nghe HTC Vive để thử nghiệm. Để kiểm tra các ứng dụng AR, công ty cũng đang nghiên cứu thiết bị Oculus Gear VR, nhưng sử dụng màn hình iPhone, camera và chipset của riêng mình. rOS sẽ làm việc theo cách giống như iOS cho iPhone, macOS cho laptop, tvOS cho Apple TV và watchOS cho Apple Watch.
Vẫn còn rất nhiều thông tin cần giải quyết, chẳng hạn như cách người dùng khởi chạy ứng dụng hoặc kiểm soát chúng thông qua tai nghe. Công ty cũng đang thảo luận về việc sử dụng phiên bản App Store của riêng mình trong thiết bị để người dùng dễ dàng tải xuống các ứng dụng họ muốn chơi hoặc sử dụng.
CEO Apple Tim Cook từng là người đề cao vai trò của AR so với VR. Trong một cuộc họp thông báo thu nhập gần đây, ông nói rằng Apple xem AR sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ, bao gồm làm việc, chơi, kết nối và học hỏi.
Apple bắt đầu đặt nền móng cho thiết bị AR trong năm 2017 với việc phát hành công nghệ theo dõi chuyển động ARKit được công bố vào tháng 6 và phát hành trong iOS 11 vào tháng 9. Một phiên bản mới hơn của ARKit được lên kế hoạch ra mắt vào năm sau. Ngoài ra, phần cứng và phần mềm trong iPhone 8 và iPhone X cũng đã hỗ trợ trải nghiệm AR.
Giới phân tích cho rằng, Apple hiện có một lợi thế lớn trong không gian AR so với Google và các thiết bị Android khác, bởi phát triển camera và môi trường hỗ trợ AR chuyên biệt sẽ mất nhiều thời gian hơn để triển khai trên nền tảng Android do sự chậm chạp trong chu kỳ cập nhật phần mềm của các Android OEM.
Nguồn từ: thanhnien.vn